Nhà di động đã được rất nhiều nước ứng dụng trên thế giới với những tính năng và ưu điểm của nó.Nhà di động có tính linh hoạt như dùng nhà tạm hay những khu vực có nguy cơ phải di rời rất phù hợp với những khu vực có quy hoạch treo.
Tại Việt Nam chúng ta được biết đến trước đây với loại hình nhà Container, Với những ưu điểm của là thi công nhanh, rẻ, phù hợp với nhiều loại địa hình.Nhưng mới đây một Việt kiều ở thành phố Cà Mau đang thi công hàng loạt ngôi nhà di động gây sự chú ý của nhiều người. Vật liệu chính làm nên ngôi nhà lắp ghép là sắt, tôn và nhôm lá với diện tích ngang 4m, dài 6m, một trệt một lầu.
Gầm nhà là những thanh sắt chịu lực, phía dưới gắn những chiếc bánh xe. Trọng lượng ngôi nhà dao động từ 2,6 - 2,8 tấn.
Ông Tiêu Văn Luận và những ngôi nhà
Chủ nhân của những ngôi nhà lầu di động độc đáo này, ông Tiêu Văn Luận - một triệu phú Mỹ cho biết: “Khoảng 30 năm trước, tôi đã thi công những ngôi nhà như thế này ở Mỹ. Ở đó khá thịnh hành loại nhà này. Người ta đến các cơ sở sản xuất và thích kiểu nhà nào thì mua và kéo về sử dụng”.
Giá thành một ngôi nhà lắp ghép cũng không cao. Loại nhà ông Luận đang sản xuất hiện có giá thành khoảng 200 triệu đồng mỗi chiếc. Tuy nhiên, theo ông Luận, đây là loại nhà ông làm để cho thuê, sử dụng vật liệu che bằng lá nhôm nên đắt tiền.
Nhà thiết kế ở dạng ki-ốt, một trệt một lầu. Trong đó, tầng dưới để kinh doanh, còn tầng trên dùng cho sinh hoạt, nghỉ ngơi. Đối với những người nghèo, vùng sâu vùng xa thì có thể thiết kế kiểu khác, với vật liệu rẻ tiền hơn thì chỉ cần bỏ ra trên 50 triệu là đã có một ngôi nhà xinh xắn ở suốt đời.
Do có thể di chuyển một cách dễ dàng nên khi cần giải tỏa thì chủ nhà và cả chính quyền cũng không ai lo lắng gì lắm. Người dân có thể nhanh chóng đến nơi ở mới mà vẫn sống trong ngôi nhà cũ của mình.
“Tôi thật sự tâm huyết với loại ngôi nhà này, nó vừa thuận lợi ở thành phố, lại phù hợp với túi tiền của người dân ở vùng sâu vùng xa, vùng lũ lụt. Đã có nhiều người đến đây xem những ngôi nhà của tôi. Tôi sẵn sàng truyền đạt lại cho họ kỹ thuật và kinh nghiệm”, ông Luận tâm sự.
Ông Tiêu Văn Luận quê ở Cà Mau, qua Mỹ năm 1980. Ông được Hiệp hội quốc tế cấp thẻ “Những người thợ nề và thợ thủ công” năm 1987.